Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

Nhớ mãi Tết xưa

 


Hồi nhỏ khoái tết, giờ vẫn khoái y vậy.

Mấy ngày tết nhà “tràn ngập” bánh mứt, dưa hấu, nước ngọt. Có những 3,4 kết nước ngọt để ở phòng khách, bên hông tủ thờ, mỗi kết đều có mấy loại như nước cam, xá xị, bạc hà…Hồi đó Coca Cola mới ra nên nhà ít uống. Chai nước cam màu cam đỏ, nhãn hiệu Con Cọp uống ngon bá chấy. Xá xị hiệu Con Nai. Bạc hà hiệu gì đó quên mất. Ngày nay không thấy nước ngọt bạc hà nữa. Tôi đi ra đi vào, thỉnh thoảng lại khui một chai uống. Chắc có lẽ lúc nhỏ ham ngọt quá nên giờ bị tiểu đường chăng?
Trên chiếc bàn to 1 x 3 mét để hoa quả và 2 hộp mứt, 1 hộp bánh và 1 hộp kẹo. Mấy quả dưa hấu màu xanh đen to đùng. Bộ tách trà khi có khách mới pha. Thường thì tấm rèm cửa kết bằng những tấm vé số buông thả, mấy ngày tết luôn được vén ra hai bên. Ngoài sân nào là mai, vạn thọ, cúc, mào gà từng chậu đua nhau khoe sắc. Không cần đi đâu xa, cứ nhìn vào nhà tôi là đã thấy tết đang về, rộn ràng tươi thắm.
Khoảng 23 tết đưa ông Táo về trời xong, chị Hai tôi bắt đầu làm mứt bí để đem ra chợ bán. Chị sên mứt trong 2 chiếc thùng phuy 200 lít, làm một mình không ai phụ. Những lát bí lúc mới xắt ra màu còn nhà ngà, chị dùng que đũa to đảo đi đảo lại, trộn lên trộn xuống, dần dần bí ngã ra màu trắng tinh, lấm tấm những hạt đường, dậy lên mùi thơm phưng phức. Xong, chị lấy ra, dần trãi trên tấm đệm mây cho khô ráo.
Qua hôm sau chị kêu xe lôi vào chở 2 phuy mứt ra chợ, rủ tôi theo. Chị bán kế bên tiệm bánh mì của ba má, từ sáng đến chiều là hết. Tôi đứng xớ rớ bên chị cho vui thôi chứ cũng không biết phụ gì. Về, chị cho tôi tiền. Có tiền rỏn rẻn trong túi, tôi lao vào sòng bạc trong nhà, bị mấy đứa em ăn hết.
Từ mồng 1 đến mồng 3 tết ba má tôi nghỉ bán. Ngày mồng 1, chủ lò bánh mì cho đại lý muốn đặt bao nhiêu thì đặt, không lấy tiền. Chị Hai tôi ham quá, kêu ba má đặt cho một ít để bán, lại rủ tôi theo. Tôi phụ chị ra mở cửa tiệm, vừa lúc giỏ cần xé bánh mì nóng hổi chở đến. Hai chị em bán đến trưa là hết, không còn một ổ. Tôi bảo chị:

  • Biết vậy mình đặt nhiều nhiều hén chị.
    Chị tôi cười:
  • Thôi đừng có tham quá. Nhiêu là đủ rồi.
    Được chị cho tiền tôi lại chơi bầu cua, bài cào với mấy đứa em, lại thua hết. Nhưng tôi không buồn vì chỉ thua cho trong nhà. Tết, ba chỉ cho chơi bài bạc từ mồng 1 đến hết mồng 3 thôi, qua ngày đó mà còn chơi nữa là bị đòn. Tôi và mấy đứa em ghiền quá, mồng 4 lén rủ nhau qua mã ông Tám (chồng cũ của bà dì) chơi tiếp. Mã nằm trong khu vườn cạnh nhà, có xây lan can bao bọc. Ba tôi thấy tự dưng mấy đứa con đi đâu mất nên sinh nghi, đi kiếm, cầm theo cây roi mây. Phát hiện ra chúng tôi, ba chỉ làm bộ gầm ghè, quơ quơ khúc roi cho chúng tôi tan hàng. Mồng 6 khai trương, ba má ra tiệm bán, chúng tôi ở nhà tự do sát phạt tiếp.
    Từ hẻm nhà ra đường cái, mồng 1 có đến mười mấy sòng bạc ngồi dưới đất, sòng này cách sòng kia chưa đầy nửa mét, gồm bầu cua, bài cào, tài xĩu…Sáng ra ba tôi dẫn tôi và thằng em kế theo, đi một vòng qua hết mấy sòng, mỗi chỗ đặt vài đồng, ăn thua gì cũng đi tiếp. Về nhà thấy ba vui vui, có lẽ ăn được chút đỉnh gọi là lấy hên đầu năm. Mồng 1 má được nghỉ ngơi vì các món ăn đã được nấu xong hôm qua, cũng đã cúng kiến đầy đủ. Tôi đi với má sang nhà bà ngoại ở phía sau vườn để chúc tết. Ngoại tôi đã quen sống một mình. Bà kêu thợ dựng một căn nhà mái lá, trong nhà có bàn thờ Phật, có hai tấm truyện tranh dán vách, một là Tấm cám, hai là Thanh xà bạch xà. Đến giờ tôi còn nhớ mấy câu thơ minh họa trên bức truyện tranh:
    “Mồng 5 thấy rắn giữa giường
    Hớn Văn kinh hoảng ngất luôn bên màn”
    Và câu kết:
    “Mãn hạn chồng vợ đề huề
    Cùng với con quý trở về cõi tiên”
    Năm nào cũng vậy, cứ sáng mồng 1 tết là má kêu chúng tôi đến xếp hàng, mở tủ lấy ra chai dầu thơm 1 lít xức cho từng đứa. Má nói chai dầu thơm này của Pháp, được người ta tặng. Trước đây tôi còn nhớ nhãn hiệu, giờ tự nhiên quên mất. Chai dầu thơm bằng thủy tinh, có vân có khía rất đẹp, mùi hương thanh tao, dịu dàng, quyến rũ. Mỗi năm má chỉ xức cho chúng tôi một lần nên xài hoài không hết.
    Mồng 2, chị Năm và chị Sáu tôi đi cùng mấy người bạn qua ông đạo dừa ở Cồn phụng chơi, chụp nhiều tấm hình kỷ niệm. Hai chị tôi xinh đẹp lắm, giờ xem lại các tấm ảnh ngày xưa thấy người nào cũng như hoa mơn mởn. Thời học trung học đã có nhiều anh theo đuổi, trong đó có cả…thầy giáo. Nhưng hai chị chỉ biết lo học hành, có người đến hỏi cưới, má tôi bảo “Nó còn nhỏ lắm” thế là xong.
    Thời đó còn cho đốt pháo, tiếng đì đùng vang khắp nơi. Nhà tôi chỉ đốt hai phong pháo đêm giao thừa và sáng mồng một. Chúng tôi thì chơi pháo cuộn, bỏ vào cây súng bằng gỗ, bóp cò nổ “tạch” một phát rồi lại bắn tiếp. Khói pháo tỏa lên, mùi thơm hăng hắc, lâng lâng đầy quyến rũ.
    Tết xưa, chúng tôi luôn có những ngày trọn vẹn dành cho gia đình. Người ta thường có những chuyến du lịch ngày xuân còn chúng tôi chỉ quây quần bên nhau, vui tết cùng nhau trong mái ấm. Vả chăng, gia đình tôi chưa hề biết du lịch là gì, thế nào là du xuân ngắm cảnh. Thế mà vẫn ” vui tóa”, phải không anh chị em nhà mình.

(Cận tết Tân Sửu – 20/1/2021)
SĨ HUỲNH

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

Nhớ mãi ngôi nhà xưa yêu dấu

 


Hồi đó nhà tôi ở chợ Mới, Bến tre, nằm ngay đoạn giữa chùa Ông và chùa Viên giác, trong con hẻm nếu đi sâu vào sẽ ra đến tận ngoài Vàm. 

Nhà tôi ba gian rộng rãi, phải nói là rất rộng, phòng khách những 60 mét vuông. Phòng ngủ thì "mênh mông", hai bên kê được đến 6 cái giường lớn, lối đi rộng 5 mét, dài 20 mét đến giáp nhà sau. Ở gian sau là không gian mở, có 3 cửa ra vào, một cửa ra hẻm, một cửa ra những khu nhà phía sau và một cửa ra khu vườn hè có sàn nước bắc trên ao rộng. Hàng ngày thủy triều lên xuống, nước ròng nước lớn nên ao luôn trong lành, sạch sẽ.  Có thời gian má tôi nuôi gà vịt thả đàn, nuôi heo. Bên kia mương nước là khu đất vườn có những ngôi nhà nằm rải rác, những hàng dừa xanh cao ngất dọc lối đi.
Phòng khách nhà tôi chính giữa là bàn thờ Phật tổ Như lai, Phật Thích ca, Phật Di lặc và thờ tổ tiên. Chiếc tủ thờ to, phía trước có kính, trong để ly tách, hai bên có hai cánh tủ, bên trong để đồ lặt vặt. Chồng báo cũ có bài đăng của tôi không biết để đâu, tôi cũng cho vào tủ thờ. Giữa phòng khách đối diện cửa ra vào là chiếc bàn mặt đá, cẩn rất đẹp, kích thước 1 x 3 mét. Chúng tôi hay ngồi đó để học bài. Ba má thì ngồi tiếp khách. Những ngày tết, trên bàn luôn bày đầy trà nước, bánh mứt và hoa quả, nhìn là cảm nhận ngay không khí ngày xuân. Bên phải và bên trái phòng đặt hai chiếc đi văng gỗ cẩm lai, nằm xuôi được 2 người, nằm dọc những 3,4 người. Cạnh mỗi chiếc đi văng, sát vách là 2 chiếc tủ quần áo, để áo dài, quần áo đi chơi và đi học của má và các chị tôi.
Trước đó vách nhà hai bên toàn bằng ván, lâu ngày có những kẻ hở dù rất nhỏ nhìn không thấy gì nhưng má tôi vẫn cảm thấy không vừa lòng. Má nói nhà nhiều con gái, vách ván không tốt. Nhưng xây lại tường gạch thì không đủ tiền. Một hôm có bà bạn hàng xóm qua chơi, nói chuyện nằm chiêm bao và chuyện đề đóm, má hỏi:
- Muốn trúng 40 ngàn thì đánh bao nhiêu tiền chị Ba?
Thím Ba Lòng đáp:
- Thì đánh 1 ngàn, trúng là được 70 đó chị Hai.
Rồi má đánh theo giấc mơ của thím Ba. Má nói:
- Chỉ mong sao trúng được 40 ngàn để xây hai bức tường nhà. Tôi hỏi rồi, phải 40 mới đủ xây.
Thật không thể tin được, chiều hôm ấy đài xổ, má tôi trúng ngay đúng số tiền mơ ước. Thế là hai bức tường hai bên nhà được xây lên, khang trang đẹp đẽ, chị em tôi vui mừng hớn hở. Đó là lần chơi đề đầu tiên và duy nhất trong đời của má tôi.
Đám cưới của hai chị tôi đều được tổ chức ở ngôi nhà ấy, sân nhà đủ chỗ cho cả hai mươi mấy bàn tiệc. Tôi quên kể là trước nhà còn có hàng ba với lan can bao quanh. Cửa nhà thì có tấm rèm to được kết bằng hàng ngàn tờ vé số cuốn lại, cứng như những đoạn trúc. Nhà mái ngói theo kiểu cổ xưa, trước sân, hai bên nhà có hai ống máng xối thoát nước mưa. Sân rộng, tráng xi măng sạch sẽ, có bàn ông Thiên, cây mận quả trắng tròn ngọt lịm, sau má trồng thêm ba cây xoài tượng, quanh năm cho nhiều quả, trái nào trái nấy đều to xanh mơn mởn. Chúng tôi hái vào, gọt chấm nước mắm đường ăn ngon hết biết.
Thật ra ngôi nhà đó nằm trong khu đất 1 héc ta mà bà dì, em của bà ngoại tôi mua cho anh của bà, chúng tôi gọi là ông Sáu ở. Ông tôi cho nhiều người vào thuê đất, dựng nhà, hàng năm ông thu tiền đất. Huê lợi của ông còn là những cây ăn trái như sầu riêng, mít, xoài, nhãn, chuối, vú sữa...Đất tốt, cây nào cũng cho nhiều quả ngon. Sau này khi ông Sáu lên Sài Gòn ở với bà dì tôi, bà kêu ba má tôi về ở.
Ngôi nhà ấy gắn bó với tuổi thơ tôi, êm đềm như dòng sông phẳng lặng. Nơi đó chị em tôi lớn lên với biết bao kỷ niệm vui buồn. Những năm tháng ấy không thể nào quên, dù đã ra đi, rời khỏi, nhưng mỗi lúc về Bến tre tôi đều rảo bước về chốn xưa. Vật đổi sao dời, những dấu tích đã nhiều đổi thay, nhưng tôi vẫn hình dung ra được nơi vùng đất ấy có ngôi nhà xưa yêu dấu.

(19-01-2021)

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

Nhớ người yêu thời tuổi dại

 


Thời thơ ấu của tôi thường vui, tôi nhớ không có chuyện gì buồn cả. Tuổi nhỏ hồn nhiên vô tư, không để tâm những vụn vặt. 

Năm ấy hình như tôi mới 7 tuổi, sống với cả một đại gia đình đông anh chị em, những 8 người. Ba má buôn bán ngoài chợ, còn chúng tôi tất cả đều còn đang đi học. Năm đó tôi học lớp tư, tức lớp 2 bây giờ. Nhà tôi trấn ngay mặt tiền con hẻm rộng, dài, có hàng ba, khoảng sân tráng xi măng và cổng rào, trong sân có cây mận già và bàn ông Thiên. Khu xóm trước nhà có những căn hộ đối diện nhau, chính giữa là khoảng đất trống đâu chừng 12 mét rộng. Bên trái, gần nhà tôi là nhà bà Năm bì bún, rồi đến nhà thím Ba Lòng, nhà ông Tư Thanh. Bên phải là nhà chú bánh men, chú Ba Cẩu, ông Tư Cầu, bà Hai Mịn...Ra gần đường cái, con hẻm hẹp lại còn 5 mét rộng, có nhà chú Năm Tâm Long, ông Bảy Thiết, ông Ba Ký.
Sáng sáng tôi thường dậy sớm lúc 5 giờ, chạy qua nhà bà Năm bướu ở khu phía sau để cùng đứa cháu gái của bà vô bếp nấu nước pha trà cho mấy chú bác đang ngồi tám chuyện ở phòng khách. Nhỏ đó tên Nhương, cũng trạc tuổi tôi, tánh tình hiền hậu dễ mến. Có lần ông Năm hỏi:
- Thằng Sĩ, mày học lớp mấy?
Tôi vui vẻ trả lời:
- Dạ lớp tư.
- Ủa vậy là mày lớn hơn con Nhương 1 tuổi. Nó mới học lớp năm.
Nhương cãi lại:
- Cái gì, hết hè này người ta lên lớp tư rồi chứ bộ.
- Con này...Thì giờ còn đang là lớp năm không phải sao. Hà hà...
Mấy chú bác ngồi nhâm nhi trà, bàn chuyện mùa màng, tình hình trong nước và thế giới. Có chú hút thuốc lào, rít một hơi rõ sâu rồi thở khói dày đặc. Ông Năm bướu nhai trầu bỏm bẻm, thỉnh thoảng nhổ vào ống nhổ một ngụm đỏ lòm, đó là màu của trầu kết hợp với cau và vôi. Người ta quen gọi ông là ông Năm bướu, chứ thật ra người có bướu chính là bà Năm. Bà có cục bướu rất to nằm ngay cổ. Tuy vậy bà rất khỏe, đi lại và làm việc rất bình thường. Lâu thật lâu mới thấy bà mệt, đang đi bỗng ngồi xuống nghỉ.
Pha trà xong tôi và Nhương ra trước nhà ngồi tán dóc. Chúng tôi thường nói chuyện trong lớp học, chuyện lũ trẻ hàng xóm, chuyện các trò chơi dân gian. Không ai dạy hết mà chúng tôi biết xưng tên với nhau, không như bọn trẻ khác thường mày tao mi tớ. Nhương hỏi:
- Sĩ biết đá cầu không?
- Sao không, Sĩ đá hơi bị giỏi đó nha.
- Biết chơi đánh trổng không.
- Biết. Sĩ hay chơi với tụi thằng Tĩnh, thằng Đức, thằng Thuận...Nhương biết mấy đứa đó không?
- Sao không. Phía trước nhà Sĩ chứ gì. Mà nè, sao Nhương lại cứ thích chơi mấy trò chơi của con trai, không ưa mấy trò như banh đũa, nhảy lò cò của con gái. Sao kỳ hén.
- Bình thường thôi mà. Sĩ cũng thích nhảy dây, chơi u hấp vậy. Chỉ là sở thích thôi.
- Vậy hả. Ừ mà cũng không ai nói Nhương giống con trai hết.
- Bữa nào rủ tụi nó chơi bắn bi đi. Sĩ thích bắn bi vòng hơn bi lỗ.
- Chơi đó tốn tiền mua bi lắm. Nhương không có tiền.
- Để Sĩ cho.
- Thiệt hén. Mấy cục.
- Ừ...thì 5 cục.
- Thua hết Sĩ cho nữa hén.
- Lỡ rồi, chơi luôn.
- Hì hì...
Rời nhà Nhương về, đi ngang qua khu vườn nhà, tôi nhặt những trái xoài non rụng đem bỏ vô hủ ngâm nước muối. Hương xoài thơm ngát, tôi hay đưa bụm tay lên ngửi lấy ngửi để. Có cảm giác như xoài thời nay không thơm bằng xoài lúc nhỏ, chắc tại người ta xài hóa chất nhiều quá.
Tôi chơi với Nhương, chị em tôi hay chọc ghẹo, nói tôi mới bi lớn mà đã biết cặp bồ. Kệ, tôi không thèm cãi lại. Vả chăng trong lòng tôi cũng cảm thấy thích thích. Riêng chuyện rủ Nhương chơi bắn bi, đến bữa kia tôi qua rủ thì Nhương ngần ngại nói:
- Nhương chỉ nói chơi thôi chứ bà không cho chơi với tụi xóm ngoài.
Tôi cụt hứng:
- Vậy mà...
- Đừng buồn Nhương nha. Nhương cũng không muốn vậy đâu.
- Ừ thôi không sao. Để hôm nào hai đứa mình chơi với nhau, trước nhà Nhương nè.
- Vậy Sĩ có cho Nhương bi không?
- Tất nhiên rồi, mình chơi ăn chơi thôi mà, đâu phải ăn thiệt.
- Vậy nha. Hì hì...
Nhưng rồi chúng tôi không có dịp chơi với nhau nữa. Gần cuối năm đó gia đình tôi chuyển đi, lên ở phố Bình nguyên, cách nhà cũ đâu chừng 6-7 cây số. Sau này nghe nói khi bà Năm bướu mất, cả nhà Nhương dọn đi, về quê hoặc đến một vùng đất lạ nào đó tôi cũng không rõ. Biết chuyện, chị tôi ghẹo:
- Người yêu đi mất rồi. Buồn hén.

(18-01-2021)

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

Tăng ca chủ nhật

 


Sáng nay chủ nhật, vợ tôi tăng ca. Bình thường mỗi ngày tôi đưa cô ấy đi làm lúc 6 giờ rưỡi. Hôm nay gần 7 giờ chúng tôi mới rời nhà, ăn điểm tâm ở quán quen rồi mới vô công ty.
Đường phố ngày cuối tuần khá thưa vắng. Đoạn vào khu công nghệ cao  càng ít xe cộ hơn. Nhưng đến cổng công ty thì rất đông công nhân đi làm, ai cũng tỏ ra vội vàng vì sợ trễ giờ. Cánh cổng rộng mở toang, có đến 4 bảo vệ đứng đưa thẻ giữ xe, không khí náo nhiệt.
Hôm nay vợ tôi tăng ca một mình. Nhóm của cô ấy đã làm thứ bảy, cô ấy bận đưa tôi đi tái khám. Phòng làm việc của cô ấy kế bên phân xưởng trực tiếp sản xuất, có nhiều người qua lại nên tôi cũng yên tâm.
Vợ tôi làm ở công ty này được gần 15 năm nên ít nhiều cũng gắn bó. Các chế độ, chính sách của công ty khá rõ ràng minh bạch. Mức lương thuộc tầm trung trong khu vực các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Chính sách đãi ngộ thì không rõ nhưng việc đưa người giỏi sang Nhật tu nghiệp thấy cũng khá hấp dẫn. Hàng năm đều có đợt đi du lịch cho hơn 3000 công nhân.
Lâu lắm rồi vợ tôi mới phải tăng ca nhằm chủ nhật.Thật ra công nhân ai cũng thích tăng ca để kiếm thêm thu nhập. Vợ tôi cũng không ngoại lệ. Tôi cũng ủng hộ vì miễn sao cô ấy vui là được. Hôm thứ năm cô ấy tăng ca, nói hơn 10 giờ mới về. Tôi ở nhà, ăn tối xong thì làm bốn câu thơ đăng facebook:
Buổi tối buồn như cổ tích
Phố dài ánh điện rưng rưng
Thoáng chút mùa xưa ray rứt
Một mình nghe nặng bước chân...
Lộc, bạn vợ tôi vào like, qua hôm sau nói với cô ấy:
- Chị tăng ca về trễ, anh ở nhà một mình thấy tội quá.
Thật ra suốt ngày tôi ở một mình cũng đã quen, không có gì buồn. Nhưng nghĩ thương vợ phải đi làm cực khổ nên cám cảnh làm mấy câu thơ. Cũng lâu rồi không sáng tác nên câu chữ thiếu trau chuốt. Không biết tôi có được gọi là nhà thơ không, vì chưa có tác phẩm được xuất bản mà cũng chưa được kết nạp vào Hội nhà văn. Tôi chỉ có bài đăng báo và đã "mần" được mấy trăm bài thơ đưa lên blog. Dù "văn chương hạ giới rẻ như bèo" nhưng tôi vẫn luôn có hứng thú viết lách.
Vậy là vợ tôi đã đi mần việc được 4 tiếng, sắp nghỉ giải lao ăn trưa rồi. Hồi sáng tôi quên mở chuông điện thoại nên cô ấy nhắn tin zalo mà không biết, cả nửa tiếng sau mới thấy. Cô ấy đi làm nhưng vẫn quan tâm tôi, thường nhắn tin này nọ để xem tôi trả lời mới yên tâm. Tội nghiệp.
Yêu vợ lắm!

(17/01/2021)

Ý nghĩa của tên bạn là gì?

  


Bạn thông minh, tài năng, luôn mỉm cười hay cáu kỉnh? Hãy ghép từng chữ cái lại bạn sẽ biết.

Ví dụ: CHUNG = C + H + U + N + G: Ngây thơ + Điềm tĩnh + Thiên tài + Luôn mỉm cười + Suy nghĩ logic

20140308-231757.jpg
Biểu đồ các dòng họ phổ biến của người Việt

A =Tài năng

B =Thiếu kiên nhẫn

C =ngây thơ

D =Tài năng

E =Tốt bụng

F =Biết nghĩ

G =Suy nghĩ logic

H =Điềm tĩnh

I =Luôn đc tôn trọng

J =Biết tận hưởng cuộc sống

K =Yêu bằng cả trái tim

L =Ngạo mạn

M =Hoàn hảo

N =Luôn mỉm cười

O =năng động

P =Thông minh

Q =Cá tính

R =Tính cách thất thường

S =Lãng mạn

T =Đáng tự hào

U =Thiên tài

V =Nóng nảy

W =Thực tế

X =Điên rồ

Y =Tháo vát

Z =Xinh đẹp

Song Nguyên (sưu tầm)

http://VIETNAMNET.vn

Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2021

Những buổi tối trong căn phòng chung cư

 


Tôi hay mơ màng tưởng nhớ về căn phòng trong chung cư quận 3, nhớ về hai đứa con trai hồi chúng còn nhỏ. Đã hơn ba mươi năm rồi còn gì. Thời gian như nước cuốn trôi. Tất cả giờ chỉ còn trong kỷ niệm. Mà, hồi đó vui quá, chắc hai con tôi cũng nghĩ thế. 

Buổi tối học bài xong, thằng lớn chơi game, thằng nhỏ ngồi coi. Chiếc máy nintendo mua ở tiệm đường 3 tháng 2, hình như đến bây giờ con tôi vẫn còn giữ. Băng game thì chỉ có một cuốn 30 in 1, gồm các trò như contra, mario, tank, ninja rùa, xếp gạch...Tôi nhớ đêm ấy con tôi chơi trò mario hái nấm, đi đến tầng cuối cùng, cứu công chúa.  Lần đầu tiên "phá băng", ba cha con mừng như bắt được vàng.
Rồi hai con tôi ngủ. Tôi đem đầu máy video và ti vi đến bên giường, mở phim lên xem. Tôi chỉ xem phim bộ Hongkong TVB. Băng thì mướn ở tiệm trên đường Cách mạng tháng 8, gần Võ văn Tần. Có hôm ba cha con cùng coi phim. Chúng chỉ thích phim võ hiệp, phi thân đánh kiếm, xem cho mãn nhãn chứ cũng không cần hiểu nội dung. Thằng lớn rất thích nghe nhạc phim, đến sau này khi lớn rồi vẫn còn nhớ, download về gởi cho tôi mấy bài nhạc phim không lời, giờ tôi vẫn còn lưu trong máy tính, lâu lâu mở lên nghe. Phim bộ thường mười mấy cuốn. Có bữa tôi thuê 2 cuốn về coi, cậu chủ tiệm nói:
- Còn mấy cuốn lấy luôn đi anh, để tối khỏi mắc công đi thuê tiếp.
Tôi từ chối:
- Thôi, đêm coi 2 cuốn đủ rồi.
Thằng chủ nói trứng phóc, đêm ấy tôi xem hết cuốn thứ hai, phim kết ngay khúc hấp dẫn nhất khiến tôi đâm tò mò, xách xe đi đổi tiếp. Đến nơi thì tiệm đóng cửa. Tôi vòng ra cửa sau. Thấy tôi cậu chủ cười híp mắt:
- Đó thấy chưa, em đã nói rồi mà.
Hai đứa con tôi rất ngoan. Thằng lớn hơn thằng nhỏ 7 tuổi, cách biệt vậy nên rất chìu em. Chơi game thì có lúc chơi chung, không thì một đứa chơi, đứa kia ngồi coi hoặc làm chuyện khác, không bao giờ có chuyện tranh giành. Hai đứa sống trong tập thể nhưng không chơi với ai, đi học thì thôi, về là cứ ở trong nhà. Khi đứa lớn lên đại học rồi, hàng ngày chở em đi học, tôi khỏi phải đưa đón. Thằng lớn học giỏi, thi vào đại học Bách khoa tuy không đậu nhưng đủ điểm vào đại học Khoa học tự nhiên theo nguyện vọng 2.
Căn phòng lầu 3 trong khu tập thể đó tôi được cơ quan cấp cho lúc còn chân ướt chân ráo vào làm. Về sau chung cư được xây lại, rộng và khang trang hơn. Lúc bốc thăm, tôi may mắn được ở lầu 2.
Kỷ niệm thì nhiều, phải nói là vô số, nhưng không hiểu sao tôi cứ nhớ, nhớ vô cùng về những năm tháng đó, nhất là những buổi tối của ba cha con. Nhắm mắt lại, tôi như nghe được âm thanh tiếng nhạc game contra, hái nấm dập dồn, tiếng gươm đao loảng xoảng, tiếng chưởng pháp chạm nhau ình chéo...Và nhịp thở đều đặn của hai đứa con đang chìm vào giấc ngủ. Buổi tối thật an lành và hạnh phúc.

(15-1-2021)

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

Tôi yêu em


Tôi vốn có nhiều người yêu, ngoài người đầu tiên ra, có lẽ em là người tôi yêu nhất. Có thể dưới mắt nhiều người em không đẹp, nhưng với tôi em quả thật là một mỹ nhân. Từ ngày có em, cuộc đời tôi như lật qua một trang khác, đầy đam mê hứng khởi. 
Theo thời gian, diện mạo em đã có nhiều thay đổi. Tôi cũng không nhớ lúc ban đầu em như thế nào, nhưng chắc rằng rất mộc mạc, giản đơn. Bây giờ em đã khác trước nhiều lắm, nét xanh xao hao gầy đã biến mất, nói theo kiểu dân gian thì là "có  da có thịt" hơn, da dẻ hồng hào thấy rõ. Em cũng trở nên liến thoắng, có nhiều chuyện để nói với mọi người hơn. 
Có vẻ như em thường xuyên thay đổi xiêm y, cái này thấy không hợp liền thay cái khác. Tôi thích thế. Tôi luôn muốn em được lộng lẫy hơn dưới mắt mọi người. 
Thật ngạc nhiên và tràn đầy hứng thú khi một hôm tôi search Google- một công cụ tìm kiếm lớn nhất hành tinh, gõ vào từ khóa và thấy được tên em, tuy nằm ở một vị trí khá khiêm tốn nhưng rất lung linh và có một gì đó gợi nhớ. Thật không thể tả nỗi niềm vui của tôi lúc ấy. Cuối cùng thế giới cũng đã nhìn thấy em, đã tiếp cận được em.
Nhưng tôi còn nhiều việc phải làm lắm. Dung mạo của em, dưới mắt nhìn của mọi người có thể là bình thường, nhưng tôi muốn tâm hồn em phải phong phú, đầy ắp những cảm xúc. Muốn được người ta yêu em nhiều như tôi đã yêu thì phải thế, không thể khác được. Tôi phải làm sao đây? Trả lời câu hỏi này không có gì đơn giản hơn, đó là "Cố gắng, cố gắng và cố gắng". 
Có nhiều lúc "lén" nhìn em, cũng có thể gọi là "săm soi" em, lòng tôi lại dâng lên một cảm giác dịu dàng khó tả. Quả đúng là Chúa đã ban em cho tôi. Em như một mỹ nhân từ trong tranh bước ra, đằm thắm nhu mì dáng liễu. Tôi như lướt trên em, bao ký ức chập chùng sống dậy. Những bóng hình xưa cũ chợt hiện về thấp thoáng. Khu phố cũ, con đường đất đỏ, bờ đê, chiếc cầu sàn nước...Ngôi nhà xưa, mái trường, chợ búa, rạp chiếu phim...Ba má, chị Hai, chị Năm, con trai, cháu nội...Ổ bánh mì thịt, gói xôi mặn, bánh ướt, món xà bần...Vợ, mẹ và những đứa em, đứa cháu...Và còn nữa những cảnh đời, những khuôn mặt thân quen. Em đã chan hòa trong tôi những cảm xúc nhiều hơn tôi tưởng. 
Tôi yêu em, trang web sihuynh.home.blog của tôi.

(14/1/2021)

Sài Gòn không có mùa đông


Sài Gòn sáng nay lạnh quá, nhiệt độ có lẽ khoảng 19 độ C. Chợt thấy cảm thương những kiếp đời lang thang, không cửa không nhà, cơ hàn đói lạnh. 

Tôi chở vợ đi làm, mặc chiếc sơ mi ngắn tay, bị vợ la: "Sao không lấy áo tay dài mà mặc". Tôi cãi bướng: "Tay dài thì chỉ che được hai cánh tay thôi mà". Nhưng lúc về thì chỉ mong cho mau tới nhà. Gần tết rồi, mùa xuân rồi, đáng lẽ trời phải ấm áp mới đúng chứ ta?
Lại nghĩ về mấy đứa nhỏ, bé My, ku Tủn, Bo, Tí, Nhót sáng đi học tội nghiệp quá. Lâu rồi không qua quận 6 thăm hai đứa cháu nội. Covid hoành hành hoài rõ chán. Nhưng tầm này chắc có nhiều người cảm thấy hạnh phúc khi là người Việt nam. Tổ chức WHO còn phải công nhận chiến dịch chống Covid của Việt nam khá hiệu quả, trong khi trên thế giới, nhất là Mỹ, từ lúc đại dịch bùng phát đến nay, mỗi ngày có hơn 4000 ca tử vong.
Tối qua nghe đứa em vợ đang làm việc ở Malaysia báo tin Covid-19 bên xứ này lại bùng phát thêm đợt mới. Tội cho em tôi, cả năm rồi thất nghiệp giờ lại tiếp tục không có việc làm.
Thời tiết khiến vợ tôi mấy ngày qua bị sổ mũi nhức đầu. Bạn cô ấy trong công ty có 2 người mới nghỉ bệnh hôm kia thì hôm qua thêm 1 người nữa. Tội nghiệp vợ, tối qua bị nghẹt mũi ngủ không được, cứ ngồi dậy miết. Tôi nhìn đồng hồ thấy mới có 9 giờ rưỡi nên thay đồ ra tiệm mua lọ thuốc. Cô ấy còn bị đau cổ họng, súc nước muối liên tục. Đó là căn bệnh mãn tính, kể từ lúc cắt amidan.
Sài Gòn lạnh nhất có lẽ là mùa Noel 1976. Buổi tối hôm đó tôi mặc chiếc áo len dày, đi bộ ra hướng nhà thờ Giáo Xứ Thánh Jeanne d’Arc. Công viên Văn Lang thưa vắng. Ở giao lộ Hùng vương- Hồng bàng- Ngô Quyền xe cộ cũng thưa thớt, vài khách bộ hành co ro trong gió lạnh. Ở ngã 6 Nguyễn tri Phương, tiệm sinh tố không một người khách, hai quán phở lại đông. Thời tiết này làm một tô phở bốc khói thì còn gì bằng. Đường Nguyễn tri Phương, Ngô gia Tự xe người đông đúc, náo nhiệt hơn. Cuối năm 1976 có lẽ là quãng thời gian Sài Gòn giá lạnh đáng nhớ.
Sài Gòn không có mùa đông
Sao nghe giá rét tím hồng môi em
Về quê vợ ở Định quán, có những đêm lạnh 17, 18 độ. Bước ra sân, một cơn gió nhẹ thoảng qua cũng chịu không thấu, phải trở vào nhà. Đêm trùm chăn kín đầu, giấc ngủ đến dễ dàng hơn thường nhật. Định quán gần Đà lạt hơn, chỉ cách khoảng 190km, qua đèo Bảo lộc và đèo Prenn là tới. Tôi nhớ có năm anh bạn tôi một mình lên Đà lạt chơi Noel, khi về anh bảo: "Ôi, lạnh khủng khiếp". Tôi cười: "Ông khùng quá ông ơi, Noel mà lên Đà lạt, lại đi một mình nữa chứ".
Bây giờ đã gần 10 giờ sáng rồi mà trời vẫn còn lạnh. Ánh nắng từng vạt mỏng, dịu dàng lan tỏa. Tin dự báo thời tiết ghi rõ: Sáng Thứ Tư 13/1 TPHCM trời lạnh từ 6 giờ, sau 7 giờ có nắng. Trong không khí có sương bụi.

(13-1-2021)

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

Mạn đàm chuyện bếp núc

 


Phàm nấu ăn, năm giác quan của đầu bếp phải tốt. Mắt phải tinh, mũi phải thính…thì làm thức ăn mới sạch, đẹp, mới cảm nhận được chính xác mùi vị các món. Nói vậy thôi, chứ với người bị khiếm khuyết một, hai giác quan thì các giác quan còn lại sẽ mạnh lên để bù đắp.

Nhưng với người nội trợ giỏi, giác quan thứ sáu mới là đáng nể. Họ nấu ăn theo quán tính, không cần nếm thử mà món nào món nấy cũng vừa miệng và ngon.
Nhà vợ tôi, các cô gái ai cũng nấu ăn ngon, mỗi người có sở trường riêng, đặc biệt là Hà- em kế của vợ tôi, làm món nào tôi thấy cũng rất khoái khẩu. Hà không dùng nhiều dầu mỡ, bột ngọt, nêm nếm gia vị cách nào đó mà ăn rất vừa miệng. Có một món mà ngoài má tôi làm ra, tôi đều chê hết, đó là tép rang. Đến nhà Hà chơi, dùng bữa thấy món ấy, tôi không đụng tới. Lúc bới chén cơm thứ hai tôi ăn thử một miếng. Ôi, ngon quá, giống như của má tôi rang vậy.
Vợ tôi nấu ăn ít khi nào nếm lại, vậy mà bao giờ cũng vừa ăn. Về sống với tôi cô ấy nấu được nhiều món ngon mà trước đó chưa từng làm. Đến giờ phút này, tôi nghĩ món thịt kho trứng của cô ấy là ngon nhất, giống của má tôi (lại nữa, ha ha).
Chị em nhà vợ tôi bảo hồi trước mẹ nấu ăn dở lắm, toàn do bố phụ trách. Từ khi bố mất, mỗi ngày mẹ có khá lên. Đến nay kho con cá, nấu nồi canh đã ngon hơn hẳn.
Ở nhà tôi, đứa em gái thứ 9 là chân truyền của má, làm bếp cực giỏi, nấu nướng cực ngon. Có những món ăn tôi rất thích mà má thường làm cho cả nhà ăn, hiếm gặp trong thực đơn của nhiều gia đình khác, như xà bần, thịt chưng dưa cải, thịt phá lấu, xíu mại, em gái tôi làm không chê vào đâu được. Mỗi lần nhà có giỗ, em gái tôi luôn là đầu bếp chính, nấu đến cả sáu, bảy món vừa chay vừa mặn. Con cháu về cúng giỗ xong, ai cũng có phần mang đi. Vừa rồi giỗ má, tôi mang món thịt phá lấu về nhà vợ, cả nhà ăn sáng với bánh mì nóng giòn, ngon hết biết.
Ở Sài Gòn, thịt thà cá mắm không ngon bằng ở quê, do nguồn hàng chủ yếu lấy ở các tỉnh về, thứ gì cũng có chất bảo quản nên không còn được tươi ngon tự nhiên nữa. Đơn cử là thịt heo, rất hiếm khi mua được miếng thơm ngon, nên thức ăn làm ra cũng kém vị. Gần nhà tôi ở, có quầy thịt heo bán buổi chiều tươi hơn các quầy khác. Trước giờ vợ tôi chỉ mua ở đấy, không đi chỗ khác.
Tôi nấu ăn cũng không dở đâu nhé, chỉ có điều mắt kém nên xẻ miếng thịt, cắt củ quả, lặt bó rau không gọn, đẹp thôi. Hồi sống một mình, thỉnh thoảng tôi cũng đi chợ mua con cá về chiên, mua miếng thịt về làm xíu mại…Đặc biệt, tôi kho món đồ chay thì khỏi chê, chiên cơm thì thơm phưng phức. Lúc hai con tôi còn nhỏ, mỗi lần tôi làm món cơm rang là chúng chạy vô bếp đứng nhìn và…ngửi. Thằng nhỏ nói: “Thơm quá ba ơi”. Lúc sống tập thể chung với thằng bạn, hai đứa nấu ăn riêng, tôi làm món xíu mại ăn và mời nó. Nó mới “nhấp” một miếng đã vội kêu lên: “Ồ, ngon hầy”.
Ba tôi là người Hoa, chắc nấu nướng cũng ngon lắm. Tôi nói vậy vì chỉ thấy ba nấu có một lần hồi tôi được mười mấy tuổi. Hôm đó chị giúp việc nghỉ làm mà tiệm bánh mì của ba má tôi đang bán đắt nên má mua miếng thịt kêu ba đem về kho cho chúng tôi ăn trưa. Tôi lẩn quẩn bên ba xem ba làm gì. Lúc bắc nồi thịt lên bếp, ba nói với tôi: “Cái này gọi là thịt kho chao”. Bữa trưa đó chúng tôi ai cũng ăn ngấu nghiến vì món ăn vừa ngon vừa lạ miệng.
Đứa em rể thứ hai của tôi ở quê Ba Tri, Bến Tre, nấu ăn đặc biệt ngon, nhất là các món nhậu. Món thịt khìa của nó có một không hai, tôi đã từng được một lần thưởng thức.
Thật ra để nấu ăn ngon không khó, nhưng cũng phải có chút năng khiếu và cái tâm. Thời nay các cô đã có Youtube, có biết bao clip dạy thực hành nấu nướng, muốn làm món gì cũng có.
Nhưng khẩu vị của tôi lại là trường hợp đặc biệt, nói chung, ai nấu món gì giống như má tôi từng nấu đều ngon cả. Vợ tôi đã bắt đầu hơi giống giống 🙂

(12-1-2021)

Vợ tôi xếp lịch

 


Vợ tôi chỉ có mỗi tội hay quên nhưng sắp xếp lịch trình, kế hoạch lại thuộc loại siêu tốc, không chê vào đâu được. Ở công ty, đồng nghiệp ai cũng phục cô ấy sát đất. Sống với vợ đã lâu mà tôi không nghiệm ra điều này. Chỉ mới tối hôm qua tôi mới “tình cờ” phát hiện.

Đó là khi chúng tôi bàn về việc năm nay ăn tết ra sao, về quê như thế nào. Thường mọi năm, khoảng 28 tháng chạp chúng tôi sẽ về Bến tre ăn tết trước với má, chiều 30 mới về Định quán vui đón giao thừa cùng gia đình vợ. Nhưng năm nay tình hình có hơi khác, nhà Bến tre giờ chỉ còn đứa em gái thứ chín của tôi, vì má tôi đã mất. Mà em gái tôi thì đi làm đến chiều 29 tết mới được nghỉ. Vợ chồng tôi về chẳng qua để thắp hương cho má. Nếu 28 về như mọi năm thì giống như “giữ nhà” chứ chơi với ai. Hi hi. Vợ chồng con trai út của tôi cũng muốn về chơi, đi chợ hoa, chụp ảnh. Tôi bối rối quá, không biết tính sao cho hợp lý.
Rất nhanh, vợ tôi đưa kế hoạch: Sáng 28 tết rủ vợ chồng con trai tôi đi ăn phở Dậu (tiệm phở ngon nổi tiếng của Sài Gòn nhưng rất mắc tiền, lâu lâu ăn chơi một lần thì được). Xong, đi chung về Bến tre luôn, ở chơi đến trưa 30 rồi đi. Nhỏ em gái tôi cứ đi làm bình thường, sẽ gặp nhau được hai buổi tối 28, 29 và nguyên buổi sáng 30. Chúng tôi sẽ cùng đi chợ hoa tối 28 hoặc 29.
Cái hay của vợ tôi là sắp xếp lịch trình vừa hợp lý vừa nhanh “siêu tốc”. Vừa nghe qua tôi đã ok liền. Tôi bảo vợ: “Cả ngày nay anh buồn hoài vì cứ nghĩ chắc tết này không về nhà má được”.
Giờ đây ngồi nghiệm lại chuyện cũ mới thấy mọi việc trong nhà đều được vợ chu toàn theo những kế hoạch tài tình. Đơn cử như lịch tái khám của tôi ở bệnh viện Đại học y dược, vợ tôi đăng ký mỗi tháng vào cuối tuần, thứ bảy, để sau đó hai vợ chồng sẽ về quê thăm mẹ. Hoặc như chuyện về quê mỗi cuối tuần, vợ xếp lịch đi chiều thứ sáu sau tan ca, ở đến thứ hai lên sớm lúc 3:15 sáng để chơi với gia đình được lâu hơn. Chuyến xe trở lại Sài Gòn, về đến nhà vừa đúng 6 giờ. Chuẩn bị này nọ các thứ đến 6:30 thì đi làm. Đúng là chuẩn không cần chỉnh, hoàn toàn không có thời gian chết.
Nói nôm na, một kế hoạch công việc cần được đầu tư xây dựng, sắp xếp trình tự chi tiết. Nhờ vậy, ta biết mình cần làm gì trong thời điểm nào (Dù kế hoạch có thể thay đổi đôi chút vì một vài lý do khách quan nhưng ta chỉ cần chỉnh sửa chứ không phải làm lại từ đầu). Kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc rất quan trọng, giúp chúng ta làm việc theo trình tự, khoa học và chất lượng công việc cũng sẽ cao hơn. Vợ tôi có kỹ năng đó, rất nhạy bén. Và tôi cũng hiểu rằng, những người thành công đều có kế hoạch cho từng dự án của họ.

(08/1/2021)

Những chậu hoa ngày tết

 


Những năm sau này, cứ vào 27 Tết là vợ chồng tôi lại về Bến tre để thăm má, viếng chùa Bạch Vân để thắp nhang cho ba. Chúng tôi thường đi chuyến chiều tối, khoảng 6 giờ là có mặt ở trạm xe Minh tâm. Gởi xe đối diện trạm- bệnh viện 30/4, vào mua vé và chờ 6:30 xe chạy. 

Tết nhất, người xe đông đúc, dập dìu. Xe chạy đến Bình chánh, ghé tiệm bánh mì, bánh bao cho hành khách đi toilet. Tôi mua hai ổ bánh mì thịt quay, chờ xe chạy tiếp thì lấy ra hai vợ chồng ăn tạm buổi tối. Rồi xe vào cao tốc, chạy một lèo đến Trung lương. 27 Tết, đường chưa kẹt mấy. Xe tới Mỹ tho, qua cầu Rạch miễu, thế là đến Bến tre. Mấy tiệm kẹo dừa Thanh long, Bến tre đèn đuốc sáng choang. Đường về thị xã đông hơn ngày thường, người ta đi lại tươi vui hớn hở. 

Nhà má ở gần thất Cao đài, xe trung chuyển đưa tới nơi. Tôi tự mở cổng rào, đi thẳng vào nhà. 27 Tết, con cháu còn làm việc chưa được nghỉ nên chưa về đông. Em trai tôi ở nước ngoài về hôm 20 Tết, đang ngồi phòng khách online, thấy vợ chồng tôi về liền bước ra với nụ cười rạng rỡ. Nhà còn có hai đứa em gái tôi, chị giúp việc và má. Thấy vợ chồng tôi về ai cũng tươi cười chào đón. Hôm nay má ngủ sớm. Vợ tôi ngồi xuống giường, nắm lấy bàn tay má gầy guộc, ánh mắt đầy thương cảm. 

Trưa 28 Tết vợ chồng con trai út tôi về đến. Nhà thêm đông vui. Đến chiều, vợ chồng tôi cùng chị, em trai tôi và vợ chồng con trai tôi đi chợ hoa ngoài chợ Mới. Chúng tôi dạo tới dạo lui, chụp ảnh kỷ niệm rồi chọn mua mấy chậu cúc, vạn thọ, mào gà, phụng vĩ, thuê xe lôi chở về. Vuông sân nhỏ nhà tôi sáng hơn, nhiều sắc màu hơn. Đã thành lệ, năm nào tôi cũng mua hoa về bày trí trước sân nhà vì má rất thích hoa. Năm trước em trai tôi còn mua cả một chậu mai to gốc, lung linh khoe sắc ba ngày Tết. Chúng tôi dìu má ra ngồi ghế salon nhìn ra sân để ngắm những chậu hoa đỏ vàng rực rỡ. 

Cuối năm 2019 má tôi mất, không kịp đón xuân Canh tý. Đến Tết, vợ chồng tôi về thắp nhang cho má. Em trai tôi vẫn còn ở Việt Nam. Chiều 28 Tết chúng tôi lại đi chợ hoa, mua về những chậu vạn thọ, cúc, mào gà, phụng vĩ bày biện trong sân, mở toang cửa ra để má có thể nhìn thấy. Má ngồi trang nghiêm trên bàn thờ, đôi mắt lung linh rạng rỡ. Chợt nghe như có lời má văng vẳng bên tai:

  • Hoa đẹp quá!

(07/1/2021)

Nhớ mãi Tết xưa

  Hồi nhỏ khoái tết, giờ vẫn khoái y vậy. Mấy ngày tết nhà “tràn ngập” bánh mứt, dưa hấu, nước ngọt. Có những 3,4 kết nước ngọt để ở phòng k...